//
you're reading...
Lịch sử, Xã Hội

Nguyễn Văn Sự (1890-1950)- doanh nhân hột xoàn đá quý người Việt Nam đầu tiên ở Sài-Gòn

Nguyễn Đức Hiệp

Vào đầu thế kỷ 20 phong trào Minh Tân do ông Gilbert Trần Chánh Chiếu phát động và lan rộng ở Sài-Gòn với sự tham gia của nhiều người Việt với mục đích mở các cơ sở buôn bán, sản xuất cạnh tranh với các người Pháp, Hoa và Ấn trong lãnh vực thương mại. Những doanh nhân không lâu sau đó xuất hiện có các ông Trương Văn Bền, Trần Văn Nghiêm, Nguyễn Văn Sự, (François Sự)… đã thành công thiết lập cơ sở thương mại cạnh tranh với người Hoa, Ấn và Pháp. Đặc biệt ông François Sự, người chuyên về buôn bán hột xoàn (diamantaire) ở trung tâm Sài-Gòn. Nghề buôn bán hột xoàn trước đó là nằm trong tay người Ấn và người Hoa, chủ yếu chung quanh chợ Cũ và chợ Bến Thành.

Đầu năm 2022, tác giả có nhận được thông tin từ anh Nguyễn Anh Tuấn ở Pháp, cháu nội ông François Sự đã cho biết thêm thông tin về ông nội anh. Theo anh Tuấn thì ông nội anh có quen biết với ông Trương Văn Bền. Cả hai là thương nhân thành công và người cùng thời và đều là hội viên Phòng Thương mại (Chambre de Commerce) ở Sài-Gòn. Ông François Sự cũng là thành viên của Đại Hội Đồng  Kinh Tế và Tài chánh Đông Dương (cũng gọi là Đại hội đồng kinh tế lý tài Đông Dương, Grand Conseils des Intérêts et financiers de l’Indochine). Bài này có mục đích tìm hiểu và giới thiệu thông tin về một doanh nhân Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 thời Pháp thuộc ở Nam kỳ để phát họa tổng quát các hoạt động thương mại của người Việt trong giai đoạn này.

Ở trung tâm Sài-Gòn, nhất là khu vực quanh Chợ Cũ và Chợ Mới (Bến Thành), người Ấn và người Hoa làm chủ các cửa tiệm bán vàng, bạc và kim cương từ cuối thế kỷ 19 cho đến giữa thế kỷ 20, như các tiệm bán nữ trang và hột xoàn “O. M. Ibrahim & Co.”, ở số 44 rue Catinat, hoặc các tiệm “Hoàng Hưng đã kim” của A-Chanh, ở số 7 rue Ohier (Tôn Thất Thiệp ngày nay), tiệm “Loi Tai”, số 3 rue Ohier.

Ông François Sự (1890-1950) quê quán ở Cái Mơn, Bến Tre. Cái Mơn có cộng đồng công giáo rất mạnh mà ông cũng là một thành viên. Ông vào nghề buôn bán hột xoàn đã lâu từ hồi có tiệm hột xoàn ở 79 rue Vannier (đường Ngô Đức Kế ngày nay) đối diện với chợ Cũ ít nhất là từ năm 1924. Ông có quảng cáo tiệm ông trên đường Vannier ở “giữa dãy phố Chà chợ Cũ Saigon” (L’Ere Nouvelle, 1/8/1927). Sau đó vào khoảng cuối năm 1928 mới chuyển qua tiệm mới ở số 68 đường Bonard (Écho Annamite 5/11/1928).

Trong sách “Từ Bắc chí Nam” (1924) của ông Hồ Văn Lang, chủ nhà in và nhà xuất bản ở Sa Đéc, có đăng những dòng sau đây về tiệm hột xoàn của ông François Sự

Hôt Xoàn đâu tốt mà rẻ?


Tiệm M. François Sự ở đường Vannier, ngó qua Chợ-cũ, Saigon số nhà 79, có bán hột xoàn tốt mà rẻ. M. François Sự buôn bàn thật thà, chác chắn lắm, cho tới Đức-Giáo-Hoàng bên thành Roma cũng có gởi giấy ban khen. Vây Annam ai có muốn mua hột xoàn tốt mà rẻ thì nên kiếm nhà M. François Sự mà mua
.”

Hàng của ông nhập về từ bên Tây, như quảng cáo cho biết (trong tiểu thuyết “Bèo mây tan hiệp” 1928 của Phạm Minh Kiên)

Ở Chợ-cũ 76 rue Vannier, Saigon

Cho hạy

Mới tiếp đặng hột xoàn bên tây mới qua nhiều lắm. Kỳ này hột thiệt tốt. M. François Sự bán giành mối nên định giá thật rẽ lắm

Xin mời quí bà đến xem

Trong hồi ký của ông Bùi Thanh Vân kể lại cuộc du hành vòng quanh thế giới năm 1929. Ông Vân có kể là trên tàu đi du lịch ông Vân có gặp một người Pháp tên là Menasche, đến Sài-Gòn, Chợ Lớn, Nam Vang buôn bán hột soàn. Ông Menashe cho biết có biết ông François Sự có tiệm buôn nữ trang ở trung tâm Sài-Gòn và cô Tám ở Chợ Lớn. Như vậy ông François Sự được nhiều người Ta và Tây biết tiếng về nghề bán hột xoàn của ông trong thập niên 1920.

Hình 1 – Quảng cáo trên tờ Écho Annamite (5/11/1928) tiệm hột xoàn của ông François Sự ở góc đại lộ Bonard và đường Filippini (đại lộ Lê Lợi và đường Nguyễn Trung Trực ngày nay)

Năm 1928, ông ứng cử vào Phòng thương mại Sài-Gòn. Trong bài viết kêu gọi cử tri doanh nhân về mục đích của ông khi ra ứng cử đăng trên tờ Écho Annamite (31/10/1928) như sau

Bầu cử hai hội viên bản sứ vào Phòng thương mại

Ứng cử viên Nguyễn Văn Sự

Tuyên bố mục đích

Kính thưa các doanh nhân Nam Kỳ và đồng bào thân mến,

Quý vị được mời đi bầu vào ngày 8 tháng 11 năm 1928, để bầu hai thành viên bản xứ cho Phòng Thương mại Sài Gòn.

Tôi xin giới thiệu bản thân mình với các bạn của tôi

Kính gửi Thương nhân đồng bào: Tôi tên là Nguyễn Văn Sự, được biết đến với cái tên là François Su, nghề nghiệp buôn bán kim cương,

Là một thương nhân, định cư ở thành phố Sài Gòn đã nhiều năm, tôi luôn tỏ ra trung thành và chân thành với khách hàng, đồng thời cạnh tranh gay gắt với thương nhân nước ngoài, để bảo vệ và làm cho thương mại An Nam chúng ta phát triển thịnh vượng.;

Tôi biết rằng, quan tâm đến lợi ích công cộng, tất cả các bạn đều đặt lợi ích tốt nhất của đất nước chúng ta và của cư dân bản địa lên hàng đầu trong mối quan tâm của bạn, mối quan tâm mà bạn bảo vệ, mỗi người trong phạm vi của bạn và tùy theo khả năng của bạn.

Tôi không bỏ qua về những khó khăn trong nhiệm vụ đại diện cho bạn trong một hội đồng chẳng hạn như Phòng Thương mại Sài-gòn. Muốn vậy, bạn cần đầu óc rộng rãi, hoạt động thường xuyên. Đôi khi bạn vẫn phải biết hy sinh lợi ích cá nhân của mình vì lợi ích cộng đồng.

Nhiều bạn bè cho tôi vinh dự là đã nhận ra được ở tôi một số phẩm chất này. Chính vì sự yêu cầu cấp bách của họ mà tôi quyết định trưng cầu phiếu bầu của bạn. Hãy tin rằng, khi làm như vậy, tôi không có ý định nào khác ngoài việc đưa kinh nghiệm yếu kém của mình phục vụ sự mong muốn của bạn. Trong trường hợp được sự tín nhiệm to lớn, tôi chính thức xin cam kết đem hết tâm huyết, hết trí lực, mọi công việc của mình để hoàn thành nhiệm vụ của mình, trong trường hợp bạn cho là tôi xứng đáng là người đại diện do bạn chỉ định.

Là một thành phần trong cộng đồng của các bạn trong nhiều năm, tôi nghĩ rằng tôi biết rõ mong muốn, than phiền và đòi hỏi của các bạn. Tôi hứa với bạn sẽ cố gắng hết sức để đạt được những yêu sách chính đáng của bạn, những yêu sách đó cũng là của tôi, mục đích chung của chúng ta.

Hỡi các cử tri thân mến, sẽ tùy thuộc vào các bạn, để đưa ra phán quyết của mình vào ngày 8 tháng 11, trên tất cả lương tâm và tất cả quyền của mình. Tôi biết bạn đủ rõ để không nghi ngờ trong giây lát về sự háo hức của bạn trong việc thực hiện nghĩa vụ công dân của bạn. Phiếu bầu của bạn sẽ được chuyển đến tên của ứng cử viên mà bạn tin là người xứng đáng nhất với phiếu bầu của bạn và người có khả năng cống hiến hết mình cho lợi ích chung. Tôi có thể cho phép mình hy vọng thu thập được một số phiếu để củng cố thiện chí của tôi về quyền lực tổng hợp của đa số các bạn không? Tôi chờ đợi tiếng nói của bạn, mà tôi sẽ chấp nhận, bất kể tiếng nói đó có thể là gì đi nữa.

NGUYỄN-VĂN-SỰ, tự François SU

Doanh nhân kim cương hột xoàn tại Sài Gòn.

Tờ Écho Annamite đã ghi chú là tờ báo ủng hộ ông cho lần tranh cử này mà trước đó khi ông ứng cử vào Phòng Canh nông (Chambre de Agriculture), tờ báo đã không ủng hộ ông mà ủng hộ ông Nguyễn Văn Thơm vì cho là ông la một doanh nhân nên không có kinh nghiệm và khó thành công trong lãnh vực canh nông thay vì lãnh vực thương mại. Kết quả ông Nguyễn Văn Sự đã đắc cử hội viên Phòng Thương mại Saigon cùng với ông Trần Văn Sang (Écho Annamite, 27/11/1928). Ngoài ông Sự, trong số các hội viên phòng Thương mại còn có các ông Trương Văn Bền, Nguyễn Văn Sâm và Trần Văn Sang (Annuaire complet, européen et indigene, de toute l’Indochine, commerce, industrie, plantations, mines, adresses particulières, 1933).

Ông cũng được chọn làm hội viên của Đại hội đồng kinh tế lý tài Đông Dương (Grand Conseils des Intérêts et financiers de l’Indochine) năm 1930 và trong Hội đồng quản lý cảng thương mại Saigon (Conseil d’administration du Port de Commerce de Saigon).

Ngoài công việc kinh doanh, ông Sự cũng có tổ chức gây quỷ từ thiện. Ông là chủ tịch ủy ban vé số (Comité de la loterie) gây quỷ giúp người cùi ở Qui Hòa năm 1931 (Écho Annamite 5/3/1931). Ông đã gặp toàn quyền Đông Dương Pasquier, năm 1930, được phép gây quỷ qua vé số (L’Indochine: revue économique d’Extrême-Orient, 5/11/1930) và ông Pasquier đã hứa là chính phủ sẽ hổ trợ thêm (Écho Annamite 29/1/1931).  Cuộc sổ xố thành công, Ủy ban đã gởi số tiền 27.000 đồng (piastres) đế giám mục địa phận Qui Nhơn Ạ Tardieu để giúp trại cùi Quy Hòa (L’Alliance franco-annamite, 22/10/1931)

Đã có giai đoạn việc buôn bán của ông gặp khó khăn và cửa hàng của ông ở số 68 Boulevard Bonard (Lê Lợi ngày nay), góc rue Filippini (Nguyễn Trung Trực ngày nay) đã bị tịch biên, phát tán bán đấu giá cho công chúng ngày 9/2/1934, sau khi tòa án thương mại ở Sài-Gòn đã đưa ra phán quyết trước đó vào ngày 26/1/1934 (L’Information d’Indochine: économique et financière, 22/2/1934). Gần 3 năm trước đó ông cũng muốn sang lại cửa tiệm hột xoàn vào năm 1931, sau khi vợ ông mất. Trong phần quảng cáo trong quyển tiểu thuyết “Tình duyên xảo ngộ” (1931) của tác giả Phạm Minh Kiên có đăng một tin như sau

DỊP BẤT NGỜ

Mới đăng tin M. François Su’ mới mất bà hiền nội trợ, bởi vì đơn chiếc nên ông tinh sang tiêm hôt xoàn của ông là một cửa hàng thi thứ nhất ở Saigon vã lại tiệm hôt xoàn của Annam mình là có một ở Saigon mà thôi, nên ai có chi tranh thưong tưởng nên mau đến mà thương lượng hoặc trả một số tiền mặt còn bao nhiêu trả góp, ông Sự cũng chịu (sang lỗ vì muốn đi nghĩ.).

Còn từ nay cho đến khi kiếm được người sang lại ai đến mua ông Sự bán rẽ lắm lỗ cũng bán, nên là môt dịp sắm đồ rẽ, mau mau.

Như vậy nhà doanh nhân François Sự hoạt động trong thương trường ở Sài-Gòn hơn 10 năm bắt đầu từ đầu thập niên 1920 cho đến giữa thập niên 1930. Vì vấn đề gia đình, khi vợ ông mất, thì việc kinh doanh không còn khởi sắc, nên cuối cùng cơ sở kinh doanh của ông bị phát mãi.

Theo anh Tuấn, ông François Sự sau đó rời Sài-Gòn đến Nha Trang tiếp tục công việc kinh doanh trở lại nhưng việc kinh doanh không còn được như xưa.

Ông mất ở Nha Trang năm 1950.

Tham khảo

  • Écho Annamite, 5/11/1928, 27/11/1928, 19/1/1931, 29/1/1931, 5/3/1931
  • L’Indochine: revue économique d’Extrême-Orient, 5/11/1930
  • L’Information d’Indochine: économique et financière, 22/2/1934
  • Annuaire complet (européen et indigène) de toute l’Indochine, commerce, industrie, plantations, mines, adresses particulières… : Indochine, adresses, 1ère année 1933-1934 / éditeurs madame L. Lacroix-Sommé, messieurs R. J. Dickson et A. J. Burtschy, Saigon, 1933

About hiepblog

Nhà nghiên cứu khoa học

Thảo luận

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này