//
you're reading...
Lịch sử, Văn hóa Nghệ thuật

Tân nhạc thời kháng Pháp (1945-1954) – Văn Giảng (5)

Nhạc sĩ người Huế, một trong các nhạc sĩ tài hoa xứ Thần Kinh đã đóng góp vào nền tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu.

Văn Giảng (1924-2013)

Tên thật là Ngô Văn Giảng. Sinh trưởng ở Huế, phần lớn các sáng tác của Văn Giảng ban đầu thuộc thể loại hùng ca như “Thúc quân” (1949), “Lục quân Việt Nam” (1950), “Đêm Mê Linh” (1951), “Quân hành ca” (1951), “Qua đèo” (1952), “Nhảy lửa” (1953)… nhưng ông còn viết tình ca với bút danh Thông Đạt, nổi tiếng nhất là nhạc phẩm “Ai về sông Tương” (1949). Ông còn sáng tác các bài hát về Phật Giáo, với bút hiệu Nguyên Thông (pháp danh của Văn Giảng), như các bài “Vô thường”, “Hoa cài áo lam”, “Ca tỳ la vệ”, “Mừng đản sanh”,…

Ai về sông Tương” được Thông Đạt (Văn Giảng) viết vào năm 1949. Về ca khúc này có một giai thoại có thật mà mọi người đều nói đến: Những năm cuối thập niên 1940 đó, Văn Giảng có chơi thân cùng ông Tăng Duyệt, giám đốc nhà xuất bản Tinh Hoa Huế, một số hành khúc của Văn Giảng cũng được nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành. Một lần Tăng Duyệt nói đùa ngụ ý rằng nhạc sĩ Văn Giảng chỉ viết được những bài hùng ca thôi còn về những bài tình ca không phải sở trường của Văn Giảng.

Văn Giảng nghe như vậy và không trả lời. Sau đó ông viết bản “Ai về sông Tương” và ký tên là Thông Đạt. Bài hát “Ai về sông Tương” được tác giả Thông Đạt gửi đến các đài phát thanh ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn và nhanh chóng nổi tiếng. Sau nhiều lần được nghe bản nhạc đó trên đài, Tăng Duyệt gặp Văn Giảng và hỏi ở trong giới nhạc, Văn Giảng có biết Thông Đạt, tác giả bài Ai về sông Tương là ai không. Văn Duyệt muốn tìm mua lại bản quyền để xuất bản nhạc phẩm đó nhưng Văn Giảng trả lời không biết (64) (68). Lời bài Ai về sông Tương (1949) như sau

Ai về sông Tương (1949)

Thông Đạt

Ai có về bên bến sông Tương

Nhắn người duyên dáng tôi thương

Bao ngày ôm mối tơ vương.

Tháng với ngày mờ nhuốm đau thương

Tâm hồn mơ bóng em luôn

Mong vài lời em ngập hương .

Thu nay về vương áng thê lương

Vắng người duyên dáng tôi thương

Mối tình tôi vẫn cô đơn.

Xa muôn trùng lưu luyến nhớ em

Mơ hoài hình bóng không quên

Hương tình mộng say dịu êm

Bao ngày qua, thu lại về mang sầu tới

Nàng say tình mới hồn tôi tơi bời

Nhìn hoa cười đón mừng vui duyên nàng

Tình thơ ngây từ đây nát tan

Hoa ơi! Thôi ngưng cười đùa lả lơi .

Cùng tôi buồn đắm đừng vui chi tình

Đầy bao ngày thắm dày xéo tâm hồn này lệ sầu hoen ý thu .

Ai có về bên bến sông Tương

Nhắn người duyên dáng tôi thương

Sao đành nỡ dứt tơ vương.

Ôi duyên hờ từ nay bơ vơ.

Dây tình tôi nắn cung tơ, rút lòng sầu trách người mơ.

Sau này ông Tăng Duyệt được hai ngừời bạn Văn Giảng cho biết tác giả Thông Đạt bài “Ai về sông Tương” chính là Văn Giảng, lúc đó Tăng Duyệt mới vui mừng lái xe đến nhà Văn Giảng nắm tay ngưỡng mộ nhạc sĩ Văn Giảng. Thông Đạt là tên ghép của pháp danh của ông là Nguyên Thông và của vợ ông là Tâm Đạt. Tăng Duyệt sau này mất trong biến cố tết Mậu Thân ở Huế. 

Hình – Nhạc sĩ Văn Giảng và các nhạc sĩ Thu Hồ, Tăng Duyệt, Mạnh Phát, bìa “Ai về sông Tương”  của Thông Đạt (Văng Giảng) do Tinh Hoa xuất bản (nguồn: https://dongnhacvang.com/nhac-si-van-giang-va-ca-khuc-ai-ve-song-tuong/)

Vì ông sinh trưởng trong một gia đình chuộng đạo Phật, nên ông thấm nhuần Phật pháp. Ông tự học âm nhạc và chơi đàn guitar và nổi tiếng ở Huế, có thời làm trưởng ban nhạc của đài phát thanh Huế và sau đó Giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc Huế (1963) và cùng với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba khởi xướng phong trào sáng tác Phật nhạc ở miền Trung (68). Sau năm Mậu Thân 1968, ông rời Huế vào Sài-Gòn sinh sống, có thời gian học Anh văn ở Hội Việt-Mỹ, và trung tuyển kỳ thi nghiên cứu âm nhạc ngoại quốc và qua Mỹ học. Ông về gỉảng dạy ở trường Quốc gia Âm nhạc ở Sài-Gòn. Ở Sài-Gòn ông gặp và quen biết các nhạc sĩ Châu Kỳ (người Huế đồng hương) và Lê Dinh.

Với bút danh Thông Đạt, Văn Giảng sáng tác một số nhạc phẩm ăn khách như “Đôi mắt huyền”, “Hoa cài mái tóc”, “Tình em biển rộng sông dài”, “Xin đừng chờ em nữa”… Ông trở nên khá giả qua các bản quyền của các bản nhạc này và mua được ngôi nhà ở đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Hoàng Văn Thụ, Tân Bình). Ông được biết không những qua các tác phẩm tân nhạc trong quần chúng mà là một nhà nhạc thuật với kiến thức âm nhạc sâu rộng. Bộ Giáo dục bổ ông làm trưởng phòng học vụ Nha Mỹ thuật chuyên về học vấn ở trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn và ở Huế.

Năm 1970, ông được giải thưởng Văn học Nghệ thuật cu/a Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, huy chương vàng thể loại âm nhạc với tác phẩm Ngũ Tấu Khúc (Quintet for Flute and Strings). Sau năm 1975, cuộc sống trở nên khó khăn và ông vươt biển đến Indonesia (1978) và sau đó định cư ở Melbourne (Úc). Ở Melbourne, ông có dạy nhạc, soan sách và giới thiệu âm nhạc Việt Nam qua hai tiếng Việt và Anh. Ông mất năm 2013 tại Melbourne.

(Trích “Lịch sử tân nhạc Việt Nam từ khởi thủy đến 1975”, Nguyễn Đức Hiệp)

About hiepblog

Nhà nghiên cứu khoa học

Thảo luận

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này