//
you're reading...
Uncategorized

Khởi đầu in sách báo và sự thành lập nhà in đầu tiên của người Việt

Cuộc thay đổi lớn nhất trong sự phát triển văn học quốc ngữ vào cuối thế kỷ 19 ở Nam Kỳ là sự phổ thông báo chí và sách quốc ngữ trong quần chúng qua sự thành lập các nhà in do người Pháp khởi đầu và sau này các người Việt tham gia và làm chủ các nhà in. Sự du nhập của kỷ nghệ in ấn vào Nam Kỳ bắt đầu từ thập niên 1860 do người Pháp mang vào với mục đích phổ biến các thông tư, sách vở, báo cáo dùng trong bộ máy hành chánh của chính quyền Pháp còn phôi thai ở Nam Kỳ. Các nhà in ban đầu là của chính quyền Pháp lập ra. Sau này công việc in ấn dùng trong hành chánh được giao lại cho tư nhân đảm nhiệm mà nhà in của ông F.H. Schneider là nhà in đầu tin tư nhân thay thế nhà in nhà nước in giấy tờ, công báo, báo cáo, công văn Pháp ngữ và chữ quốc ngữ. Sau khi người Pháp chọn Hà Nội là thủ phủ của liên bang Đông Dương và chuyển từ Sài-Gòn ra đó thì ông Schneider ra Bắc Kỳ lập cơ sở in ấn cho chính quyền liên bang Đông Dương. Nơi đây ông Schneider với sự trợ giúp của các cộng sự người Việt trong đó có ông Nguyễn Văn Vĩnh, nhà in F. H Schneider làm ăn phát đạt.

Ở Nam Kỳ, không lâu sau khi ông Schneider rời Sài-Gòn, do nhu cầu và để lấp chổ trống các nhà in khác cũng được thành lập trong đó có các nhà in của người Việt xuất bản đủ loại sách. Trong danh sách các nhà in ban đầu ở Sài-Gòn do người Việt làm chủ là nhà in Imprimerie Commerciale (Imprimerie de l’Union) ở số 157 đường rue Catinat (157 rue Catinat) do ông Đinh Thái Sơn (tự Phát Toán) làm chủ. Cơ sở in và bán sách của ông Đinh Thái Sơn làm ăn phát đạt.

Sự thành công của ông Đinh Thái Sơn đã được ghi nhận khi ông được triều đình nhà Nguyễn ban tặng Kim Khánh cho ông vào năm 1911. Lược qua tiểu sử của ông Đinh Thái Sơn cho thấy sự nghiệp ông từ lúc khởi nghiệp cho đến đạt được thành công trong thương mại gắn liền với bước đầu trong sự thành hình văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ. Trong quyển “Thành Thái Hoàng Đế Ngự Du Gia Định Diễn Ca” (1917) trong phần phụ có nói về buổi lễ trao Kim Khánh và tiệc chúc mừng cho ông Đinh Thái Sơn. Kim khánh là loại huân chương bằng vang do triều đình Huế ban thưởng cho những người có công trạng trong các lãnh vực khác nhau.

“…

Mới đây Triều-đình Đại-nam có sắt tứ một tấm kim khánh tam hạng cho ông Đinh-Thái-Sơn, là chủ nhà in Phát-Toán.

Ấy cũng nhờ ơn Nhà-nước Nam-kỳ, rất nên minh chánh, ân cập nài xin phần thưởng quí trọng nầy, hầu giục lòng người đồng hương về việc thương mải.

Chỉ như ông Đinh-thái-Sơn được đeo kim khánh thiệt là chẳng hổ vậy, vì người đã rang công cần lao, bền chí mà tự lập nên một nhà in ngày nay rộng lớn, tuy không hơn, song cũng chả kém các nhà in khác trong bổn xứ, thợ thầy đông, nghề nghiệp giỏi, trong tiệm có sắm đủ các thứ máy lớn nhỏ, và các thứ chữ tây nam, mỗi ngày in ra nhựt trinh và thơ tuồng truyện sách không ngớt việc; lại thêm lãnh in sổ bộ giấy tờ cho nhiều sở, nhiều ti.

Mới đây qua Giám-đốc, Đổng-lý [thị trưởng] hội công đồng thành phố Saigon tới viếng ấn thơ đường Phát-Toán thi người cũng có tỏ lời ban khen.

Đêm thứ bảy rồi 16 Septembre nhơn dịp ông Đinh-thái-Sơn gội nhuần ơn ban Kim-khánh, các bằng hữu đồng nhóm đông đủ tại hí-viện Phước-Xương, vầy một tiệc mà vui mầng [mừng] cho người. Rạp hát đêm ấy tự trong chi ngoài, chẳng luận là trên la6`u dưới đất, vừa mới 8 giờ thì đã chật nức,

Qua khỏi 9 giờ ông Đinh-thái-Sơn đi với hai người bạn thiết bước vào, kèn song-hĩ thổi mầng [mừng], bạn hát dâng gia quan một bức, rồi nhường sân khấu cho ông Joseph Thinh là tri kỷ với ông Đinh-thái-Sơn ra đứng giữa mà chúc tặng mấy lời nghe càng vui đẹp. Cả rạp hát đồng vỗ tay một chập hẻn lân, ông huyệt T… đứng dậy đeo Kim-khánh vào cho chủ nhà in Phát-Toán, đoạn đón chầu hát luôn ba xuất cho tới rạng đông.

Khá khen cho M. Lê, tài-phú nhà hàng “Progrès” không nài công khó, chẳng kể lỗ lời, khéo chung dọn trong rạp hát, bàn ghế hẳn hòi, lại thêm đải đằng phu phí. Cũng một đêm ấy, có nhiều vị khách quan, nhơn sự tùng sự, tỏ ý vui mầng cho cô Ba-Ngoạn (*) là bầu-Gánh trường hát Phước-Xương, mới tiếp được một tấm Huân-Chương của vua Cao-Mang [Cam Bốt] ban thưởng.

Có bài tứ tuyệt khen tặng Cô-Ba như vầy:

Thanh lịch liểu bồ phận hiến dương.

Ơn nhờ Lạp-chúa thưởng huân-chương.

Rày mâng thu thủy gương thêm tỏ

Danh lợi lâu dài bạn Phước-Xương.

(chú thích: (*) Lê Thị Ngoạn, mẹ của ông Nguyễn Phước Cương, chủ gánh cải lương Phước Cương và bà ngoại của nghệ sĩ Kim Cương)

Buổi tiệc suốt đêm ở nhà hàng “Progrès” (Phú hương lầu) có sự hiện diện của thân hào, nhân sĩ và các văn nghệ sĩ ở Sài-Gòn và Nam Kỳ cho thấy vai trò của ông Đinh Thái Sơn trong ngành xuất bản và thành công thương mại nghề in ấn của ông. Trong bài đáp lễ viết về sự kiện này trong cùng cuốn sách về chuyến ngự du của vua Thành Thái, cho biết thêm nhiều chi tiết về ông đinh Thái Sơn và các nhân vật vào thời kỳ này.

Bài đáp lễ

Ngày 7 Novembre 1911

Thầy Đinh-thái-Sơn là chủ nhà in hiệu Phát-Toán, mới đặng [được] Triều-đình Đại-nam sắc tứ Kim-khánh nhứt diện, có làm một tiệc rất trọng thể tại Phu-hương-lầu mà đãi thân-bằng cố hữu của thầy.

Đêm ấy tại Phú-hương-lầu đèn treo rực rở, gần trót tram người dự tiệc, có các ông, mấy thầy và bảy, tám viên quan lang-sa, ăn uống vui vầy, thảy đều tỏ ý vui mầng cho thầy Phát-Toán.

Khi gần mãng [mãn] tiệc vừa lúc đãi rượu Champagne thì Bổn-quán Phó chủ-bút là M. Nguyễn-chánh-Sắt bước ra đứng nơi giữa tiệc mà xướng đọc một bài khánh hạ như vầy:

Các ông,

Nay nhơn cái tiệc vui nầy, sẳng có các ông, mấy thầy và anh em bằng bối của chúng ta, thảy đều có mặt tại đây, nên tôi xin phép các ông đặng tỏ đôi lời nôm-na quê-kịch nơi giữa tiệc nầy mà khánh hạ thầy Đinh-thái-Sơn là bạn hữu của chúng ta, hôm nay đặng sắc tứ Kim-khánh, thiệt là một đe6`u [điều] quí trọng hơn hết, trên chói rạng tổ-tông, dưới vinh quang thê tử. Tôi nghĩ vì phận làm trai ở đời có chi quí hơn cho bằng  phấn vua mà dồi mặt, nay mà thầy Đinh-thái-Sơn tuy không đai mãng mặc dầu, song cũng đặng Triều-đình sắc tứ. Ấy thiệt là xứng đáng cho bằng bối chúng ta vui lòng đẹp dạ là dường nào.

Vã chăng thầy Đinh-thái-Sơn nầy người quán Nghệ-an, vẫn cũng là con nhà khoa mục, noi dấu trâm anh; nhưng mà, gặp lối chẳng may, lúc mới 12 tuổi rủi bị cơn binh cách, thiên hạ phân vân, nên phải lưu lạc vào đất Saigon, ở ngụ nơi Tân-định. Lúc ấy nhơn tình ai ai cũng vậy, hể thấy kẻ thất thời thì chi cho khỏi khi bạc dể dui; nhưng mà thầy Đinh-thái-Sơn cũng bền lòng nhịn nhục, nhắm mắt đu=a chơn, xin vào nhà in mà học nghề đóng sách. Lần lần hè lại thu qua, nghề nghiệp đặng tinh, mới xin vào làm công nơi nhà in của ông Bock, một ngày hai ba cắt bạc mà lần lựa với đời. Song nhờ tánh người tiện tặng, làm đặng bao nhiêu cứ hom-hĩnh bấy nhiêu, lần hồi tụ thiểu thành đa, mới có dư ra chút đỉnh. Lại may nhờ linh-nhạc của thầy, thấy vậy thì thương kêu về gã con là thiếm Năm bây giờ đây, lại giúp thêm vốn liến, thầy nhờ đó mới ra mướn một căng [căn] phố ngang trước nhà thờ Tân-định mà lập một nhà đóng sách nhỏ. Lúc ấy tôi vẫn còn giúp việc tại phòng Canh-nông, thầy thường tới lui lãnh sách nơi bureau tôi đem về mà đóng, cho nên tôi với thầy quen biết nhau là từ ngày ấy. May nhờ Hoàng-thiên bất phụ, vã lại làm người ở đời, hễ hữu chí thì sự cảnh thành, cho nên trong việc làm ăn của thầy rất mau tấn bộ; ban đầu còn nhỏ sau hóa ra to, lần lần mở mang ra cuộc kinh dinh [doanh] rất nên cả thể ? Thiệt là bạch thủ xuất thân mà làm đặng như vậy, cũng là ít có.

Đến nay lại nhờ ơn Triều-đình truất cập, chẳng khuất lấp những người có chí biết lo kinh dinh trong cuộc đại thương, phòng tranh đua quyền lợi với tha bang, mà mở mang cho trẻ đàng em, nên mới sắc thưởng Kim-khánh nhứt diện đặng để nêu gương cho kẻ hậu lai. Ấy là một đêu đáng khen, đáng mầng [mừng], đáng ghi, đáng nhớ đó.

Sẳng diệp [sẵn dịp] nầy, tôi xin thay mặt cho nhà Nông-cỗ-mín-đàm và phần riêng của tôi mà mầng cho thầy Đinh-thái-Sơn rày đà phĩ nguyện, và chúc luôn cho thầy trong cuộc thương trường, càng ngày càng thạnh phát.

Nay tiệc cũng gần mãng rồi, vậy xin chư ông hãy rập nhau một ý mà cạn chén rượu nầy, đặng mà mầng giùm cho thầy Đinh-thái-Sơn, nay đã đặng công thành danh toại.

Chúc cho nhà-nước Đại-pháp trường trị cửa an!

Chúc cho Triều-đình Đại-nam hoàng đô củng cố !

Chúc cho lục tỉnh Nam-kỳ dân khương vật phụ !

Khi M. Nguyễn-chánh-Sắt đọc vừa dứt lời thì ai nấy thảy đều vổ tay xưng hạ, tiệc đã viên mãng, M. Đinh-thái-Sơn bèn thỉnh hết các quan vào rạp hát Phước-Xương ở tại đường Bourdais [Calmette ngày nay] mà xem hát bội.

Lúc vào đến rạp hát, ai nấy ngồi lại vừa yên, M. Ba Lê cũng bước ra trước rạp mà đọc một bài khánh-hạ như vầy:

Các Bà, các Cô, mấy Ông và mấy Thầy,

Tôi không đành bỏ qua diệp [dịp] nầy mà chẳng vài lời quê kịch xưng dụng ít nhiều đức tánh của ông Đinh-thái-Sơn, mông ơn Triều-đình Đại-nam sắc tứ Kim-khánh.

Vã chăng ông Đinh-thái nầy vẫn là con nhà danh giáo, rủi thời gặp cơn li loạn, thuở còn niên ấu, nên quyết lìa bỏ quê hương theo ông Lê-bá-Đảnh vào đất Nam-Trung, dốc lòng sang Đại pháp mà tiềm [tìm] học.

Thảm thay ! ốc lậu cánh tao liên dạ vũ, thoàn tri hựu ngộ đả đầu phong (*), chẳng may mà thời sự phân vân, ông Lê-Bá sớm về cọi thọ, một mình ông Đinh-thái-Sơn bơ vơ đất kháh, nên phải vào ký thân nơi nhà trường Tân-định học nghề đóng sách.

Cho hay, gầm mực thì đe, gần đèn thì sáng, phương chi ông Đinh-thái-Sơn ga6`n công lao cần cù, vừa mãng [mãn] bốn năm bèn tách mình ra làm tiểu công cho nhà in Auguste Bock, rồi lần lần tới nhà in nhà nước (Imprimerie nationale).

Từ đây, thời lai phong tống, phận mỏng, trí dày, vào phối duyên với con ông câu Toán, là Madame Sơn bây giờ đây; nói cho phải, ông Câu nầy vốn dòng đạo đức, thương con rể hết sức bù chi, cho nên ông Đinh-thái-Sơn ăn ở chung mà lại làm riêng, khi ấy mới chắc lót đu=ợc ít bạc tiền mà qui mô gầy dựng sự-nghiệp vững bền, xưng hiệu Phát-Toán cho tới ngày nay gọi là niềm cội cây, nguồn nước.

Ấy vậy ông Đinh-thái-Sơn là người thất học, mà rèn lòng bền chí lao khổ kiệm cần, tự lập thành một nhà in ngày nay rộng lớn, tuy không hơn song chả kém các nhà in của người ngoại-quốc trong bổn xứ, thợ thầy đông, nghề-nghiệp giỏi, trong tiệm có sắm đủ các thứ máy lớn nhỏ, các thứ chữ tây, nam, mỗi ngày lảnh in nhựt-báo và thơ tuồng, truyện sách cùng là sổ bộ giấy tờ cho nhiều sở nhiều ty, càng ngày càng không ngớt việc, nổi tiếng xa gần, cho nên triều-đình Đại-nam thưởng Kim-khánh như vậy.

Sau hết, tôi xin hiệp một ý, một lòng với sữ quán Nhựt-báo Tỉnh (**) mà tặng khen ông chủ nhà in Phát-Toán, một bài bác cú như sau nầy:

Từng trãi xuân xanh bước khẫm kha,

Học nên nghề nghiệp dựng gây ra,

An đường nổi tiếng vang bờ cõi.

Kim-Khánh ân ban báu nước nhà.

Nguồn lợi thuận xuôi buồm gặp gió,

Đường danh nẻo lợi gấm thêm hoa.

Lẻ trời đã định cho phần phước,

Khen ngợi từ gần nhẩn đến xa.

M. Ba Lê đọc vừa dứt lời, ai nấy đều vỗ tay khen rộ

Kế có ông Lê-bá-Cử là quan Annam ngoài Huế cũng đứng dậy xin thay mặt cho ông Hoàng íap Phạm-như-Xương đang làm Đốc học và ông Tôn-thất-Mỹ đang làm Án-sát tại Trung-kỳ mà đọc ba bài thơ như sau nầy:

Thơ mầng [mừng] ông Đinh-Thái-Sơn

Được thưởng Kim-khánh

Khôn khéo người Tây có lạ nào:

Người Đông tiếng khéo nỗi ba phao

Khánh vàng cửa Bắc vua ban xuống,

Nhả ngọc phương Nam khách giá cao

Vùn vẩy văn chương Âu liếng Á.

Vinh vang công nghiệp quận như trào.

Bến cầu hỏi mấy tay rành rỏi,

Đồ bửu trời cho đã dể nao

**

Hựu bộ nguyên vận

Sự mở văn minh khéo thế nào,

Đỏ như soa vẻ trắng như phao

Báu trời huê vật xa càng quí,

Hình Á hồng Âu thấp hóa cao

Thâu cả gió mây in một bức,

Mở tung cửa ngỏ hiệp hai trào (***)

Hoàng-giáp Phạm-như-Xương

Phụng hòa

Chín lần mưa móc có riêng nào,

Người ở Đồng nai tiếng nổi phao.

Bốn chữ đinh ninh lời khát tạc,

Mười phần thông thái giá càng cao.

Nghĩ mình vinh hiển nhờ gia khánh.

Ngảnh mặt trường an chúc đế trào.

Cho biết văn chương là quí thế,

Tấm lòng báo đáp ước no nao

Tôn-thất-Mỹ

(chú thích: (*) Nhà dột lại gặp mưa suốt đêm, đi thuyền lại bị gió đâm ngang đầu (**) Tờ Nhựt-báo tỉnh là phiên bản chữ quốc ngữ của tờ “Moniteur des Provinces” (1904). Đây là một trong tờ báo quốc ngữ sớm nhất sau tờ Gia Định báo (***) Ý nói mở cửa hòa thuận cựu trào Á đông và tân trào Âu tây)

Sự thành công của ông Đinh Thái Sơn đã gây ra một sự cạnh tranh trong nghề in ấn và xuất bản sách báo, nhiều nhà in mới được thành lập nhất là vào cuối thập niên 1920 và đầu thập niên 1930. Lúc này truyện tiểu thuyết chữ quốc ngữ phổ biến rộng rãi khắp Nam Kỳ lục tỉnh, từ truyện sáng tác hay dịch thuật các truyện Tàu, Pháp  do các nhà báo, nhà văn như Nguyễn Chánh Sắt, Lê Hoằng Mưu, Hồ iểu Chánh, Tân Dân Tử, … hay những nhà nghiên cứu, mô phạm như Nguyễn An Cương, Trần Huy Liệu, Nguyễn Háo Vĩnh, Tân Nam Tử.

Trong các sách thì tiểu thuyết xã hội và truyện Tàu bán rất chạy, nhiều nhà xuất bản và các thư xã lập ra đã in và bán với lợi nhuận cao. Nhiều nhà buôn mở tiệm bán các sách và đưa đi đến các nhà in để in các sách của nhiều tác giả. Do nhu cầu các sách cao trong xã hội, một số nhà buôn in lậu các sách bán chạy. Thị trường sách phát triển nhanh chóng. Ông Nguyễn Văn Viết, chủ nhà in J. Viết et Fils đã  cho ta thấy phần nào về thị trường các sách bán trong thời kỳ này, khi ông đăng phần cáo thị cuối sách tiểu thuyết Tàu “Hiệp nghĩa Phong Nguyệt” do ông Nguyễn Chánh Sắt dịch

Chúng tôi giữ một lòng thành thật, là những truyện của nhà in chúng tôi in ra, khi trước sao, thì bây giờ chúng tôi cũng in lại y vậy, chẳng nên thêm bớt chữ nào, mỗi cuốn truyện của chúng tôi in thì 48 hay 52 trương [trang], chớ chẳng phải như mấy nhà khác, họ giục lợi họ bớt truyện lại còn 30 hay 32 trương mà thôi, bởi vậy họ bán có 8 xu tín [tính] ra bộ truyện của họ bớt hết một phần, nếu vậy thì bộ truyện còn gì là giá trị. Vậy xin chư quí vị chớ tưởng rẽ mà lầm truyện thiếu. Quí vị có mua truyện xin coi ngoài bìa truyện mỗi cuốn có tên con tôi Cosme Ng-Văn-Tài thì khỏi lầm truyện thiếu.

Ông Viết như vậy cho thấy một số nhà in in cùng sách truyện đã in thiếu trang để bán rẽ cạnh tranh. Ông cũng muốn độc giả truyện mua thẳng từ nhà in và sách của ông thay vì mua từ những người bán dạo mua sách rồi bán lại. Điều này cho thất thị trường sách tỏa đến những nơi xa xôi ở Nam Kỳ.

Sau nầy xin chư quí vị phải lưu ý cho lắm, vì những người đi bán dạo, là những người bán qua đường, một lần họ đi bán hai ba tháng họ mới về, có nhiều cuốn sách nhà nước cấm, mà họ mắc đi bán có coi Nhựt trinh đâu mà biết, cho nên họ bán càng [càn], nếu chư-vị không biết mà mua lầm, sau đổ bể ra mình phải bị Tòa đòi lên đòi xuống thì ắc công lôi thôi lắm, chi bằng muốn coi sách vở xin gởi thơ ngay cho tiệm tôi mà mua, sau có đều [điều] chi tôi xin bảo lảnh hết, vì nhà in tôi đã lập trên 30 năm rồi buôn bán chắc chắn, giá lại rẻ hơn các nơi khác

Nay kính

J. Nguyễn Văn Viết et Fils

85-87 rue d’Ormay

Saigon

Danh sách một số nhà in (1900-1930)

Sau đây là danh sách mộ số nhà in và một số các sách tiêu biểu cho thấy sự đa dạng của công nghiệp in ấn xuất bản sách ở Sài-Gòn trong đầu thế kỷ 20. Phần sau các tác phẩm văn học sẽ được giới thiệu.

(1) Nhà in Imprimerie Commerciale – Đinh Thái Sơn (tự Phát Toán)

Một trong những cuốn sách của nhà in là “Cổ Nhơn Diễn Ca – Thơ chơi đề” (1907), Chủ bút Đặng Lễ Nghi. Đây là một cuốn sách có giá trị về một phong tục địa phương. Diễn ca về trò chơi “cổ nhơn” vào các ngày Tết ở Bình Định

(2) Imprimerie F. H. Schneider

U tình lục” (1913), Hồ Văn Trung

(3) Nhà in Imprimerie de la Mission, Tân Định. (cơ sở in ở Nhà thờ Tân Định). Nhà in lâu đời và đầu tiên in nhiều sách quốc ngữ, các sách về đao như Bài giảng đạo thiên chúa song ngữ (Pháp và Việt) ““Bài đọc tiếng Langsa và tiếng Annam” (1907). Chính tại đây ông Đinh Thái Sơn đã học nghề in ấn khi bắt đầu lập nghiệp ở Sài-Gòn.

(4) Imprimerie de l’Union, 157 rue Catinat

Nhà in Imprimerie de l’Union (Nguyễn Văn Của), 13 rue Lucien Mossard. Đây cũng là một trong những nhà in xưa ở Sài-Gòn. Ông Nguyễn Văn Của là người mua lại và kế nghiệp ông Đinh Thái Sơn trong nghề in.

“Nam Kinh, Bắc Kinh” (1913), Bổn cũ soạn lại, par Đặng Lễ Nghi, Edité par Đinh Thái Sơn, Imprimerie de l’Union. Truyện hai vua Nam Kinh và con gái vua và vua Bắc Kinh với con trai.

Các tác phẩm của Gilbert Trần Chánh Chiếu như “Tiền căn báo hậu” (1914) dịch từ tác phẩm “Le Comte de Monte-Cristo” của đại văn hào pháp Alexandre Dumas, được in từ nhà in Imprimerie de l’Union.

“Long đồ Công Án” (1916), Nguyễn Chánh Sắt, Imprimerie de l’Union. Các câu truyện về các vụ án trong lịch sử ở Tàu

“Trần Minh Khố Chuối” (1918), Đinh Thái Sơn, Imprimerie de L’Union,  truyện thơ

“Con Tấm, con Cám” (1915), Thơ bổn cũ soạn lại, par Đặng Lễ Nghi, édité par Đinh Thái Sơn

“Thành Thái Hoàng Đế – Ngự du Gia Định diễn ca” (1917), Đặng Lễ Nghi, édité par Đinh Thái Sơn, in lần thứ ba, Imprimerie de l’Union. Đây là sách diễn ca về sự kiện vua Thành Thài và vua Cam Bốt thăm Nam Kỳ. Trong bài diễn ca có nhiều sự kiện đáng chú ý

… Buổi chiều mười một rõ ràng,

đức vua Mang-quốc đã sanh tới rồi.

Súng lớn nghe bắn một hồi,

Giảng hầu sửa soạn xong rồi nghiêm trang.

Chánh-Soái cùng là các quan,

Rước vua cùng mấy vị hoàng vào dinh

Chúng dân một dạ hữu tình.

Trông vua Nam-việt coi hinh dường bao

Thuở xưa còn hởi cựu trào,

Ông bà ta chẳng khi nào thấy vua.

Thu-đông Xuân-hạ bốn mùa.

Khác nào như sãi ở chùa biết chi

Và vua Thành hái đến Sài-Gòn vào ngày Chủ Nhật một ngày sau khi vua Cam Bốt đến

“..

Mười hai Chúa-nhựt sớm mơi.

Nhơn dân lộn sộn xem thời rất đông.

Đàng nào cũng có chẳng không.

“Tiền bạc, bạc tiền” (1926), Hồ Văn Trung (tự Hồ Biểu Chánh, 1885-1959), Imprimerie de l’Union

(5) Nhà in Phát-Toán, Libraire-Imprimeur, sau là Imprimerie Joseph Nguyễn-Văn-Viết, 85-87 rue d’Ormay (nay là đường Mạc Thị Bưởi), Saigon. Đây là nhà in xưa ở Sài-Gòn. Một số các sách của nhà in có “Thơ cha mẹ dạy con” (1908), Phát-Toán, Libraire-Imprimeur, 55-57 Rue d’Ormay, “Cảnh nhà quê” (1931) Kim thời tiểu thuyết, Dật Sĩ Tú, Imprimerie Ng-Văn_Viết, “Trâm gãy bình rơi” (1931), thảm tình tiểu thuyết, Gabriel Vô Lộ (Đật Sĩ Tú), Imprimerie J. Nguyễn-Văn-Viết, “Bước đường lưu lạc” (1932) của Phụng Các

(6) Nhà in của Tín Đức Thư Xã, số 37-39 (và sau này 25-27) rue Sabourain

(7) Nhà in Imprimerie Đông Pháp của ông Nguyễn Kim Đính

(8) Nhà in Imprimerie Huỳnh Kim Danh 477-479 rue Paul Blanchy Saigon

(9) Nhà in Imprimerie Đức-Lưu-Phương,

394-396-398 Rue Paul Blanchy, Tandinh, Bureau 158 Rue d’Espagne, Saigon. Chủ nhân Trương Văn Tuấn. Ông Tuấn là con rễ của tri huyện Nguyễn Ngọc Thơ, một ngưo=`I theo đạo Cao Đài. Nhà in tọa lạc trên đường Paul Blanchy (Hai Bà Trương) Tân Định, có văn phòng ở đường rue d’Espagne (Lê Thánh Tôn). Nhà in Đức Lưu Phương là nhà in đủ các loại sách truyện tiểu thuyết xã hội, tình cảm, tôn giáo rất đa đạng

(10) Nhà in Xưa-Nay, Nguyễn Háo Vĩnh, 62-64 Boulevard Bonnard, Saigon. Nơi đây cũng là cơ sở của Minh Đức thư xã

(11) Imprimerie Bảo-Tồn, Nguyễn Huỳnh Diêu, 36bis Boulevard Bonnard, 175 Boulevard de la Somme Saigon

(12) Nhà in Thanh-Thị-Mau, 186 rue d’Espagne

Một nhà in ít được biết đến nhưng xuất bản các sách truyện xưa của Tạu “Trần Sanh Ngọc Anh” (1928), Hoàng Tịnh Paulus Của, Truyện thơ, “Mai Trần tái ngộ” (1925), tuồng cải lương, “Phấn-trang-lâu diễn nghĩa” (1928), Nguời̛ dịch Nguyễn An Khương, “Thất hiệp ngũ nghĩa” (Truyện bảy người hiệp khách và năm nghĩa sĩ) (10 quyển, 1928 ?), dịch giả Phạm Văn Điêu,

(13) Nhà in Imprimerie Man Sanh, 247 rue des marins (đường Thủy binh), Cholon

Nhà in Man Sanh in một số tiểu thuyết trong đó có “Một thiên thảm sử” (1928), Cảnh-thế tiểu thuyết, Võ Nghi Tập (bút hiệu Sáng Tạo), “Ai người tri kỷ ” (1933) của Trần Hoàng Nam. S’ach vệ sinh chỉ nam của nhà thuốc Thái ngương Đường (1934)

Nhà in Imprimerie my-khouanh, 229-231 rue des marins (Trần Hưng Đạo ngày nay), Chợ Lớn. Các cuốn sách của Nam Cường Thư Xã ở Mỹ Tho được in tại nhà in này. Gồm có sách của sư Thiện Chiếu (Cám ơn đạo Phật, Vô thần luận, Chơn-lý), của Nguyễn Duy Cần (Toàn tran triết luận, Thể tướng luận, Y học tự nhiên).

(14) Nhà in Imprimerie Trần Trọng Cảnh, 192 rue d’Espagne, cạnh rạp Cinéma Modern

Ông Trần Trọng Cảnh có tiệm bán hàng Bắc, gồm nhiều hàng như tiểu thuyết Tây Nam, giấy, viết mực, hàng Nhựt-bổn, hàng Bắc-kỳ, Bombay, đồ` đồng, đồ cẩn, đồ thêu, ngọc, ngà, vang, bạc, dầy dép guốc bắc, đèn manchon và couronnes… Nhà in Trần Trọng Cảnh có in cuốn tiểu thuyết “Nhẹ nợ trần duyên” (1929) của Cao san thôn nữ.

(15) Imprimerie Nguyễn Khac, 22 rue Lagrandière. In truyện Tàu “Tiểu hồng bào Hải Thoại” (1930), Traduit par Nguyễn Chánh Sắt (Tân Châu), Publié par Cosme Nguyễn Văn Tài, Imprimerie Nguyễn Khac.

(16) Các nhà in ở các tỉnh

Nghề in ấn sách cũng phát triển đến các tỉnh thành Nam Kỳ nơi có nhu cầu về sách vở, truyện cho độc giả ở Lục tỉnh.

Mỹ Tho: Imprimerie Nguyễn Văn Tri, in tiểu thuyết “Phật giáo cải lương: Đào Phụng Hoa” (1931), 4 quyển, tác giả Hồng Liên cư sỉ, tiểu thuyết về cô Đòa Phụng Hoa từ bi bác ái quảng bá đạo Phật. 

Bến Tre: Nhà in khéo F. Van Vovan của ông Võ Văn Vân, nhà in Bùi Văn Nhẫn, rue George Clémenceau, Bến Tre

Cần Thơ: Nhà in Sở Tại, đường Tòa, Cần Thơ, sách in đủ loại trong đó quyển “Chiếu Minh Đàn” (1929), Cao Đài Đại Đạo

Sa Đéc: Nhà in Imprimerie Hồ Văn, Sadec, do ông Hồ Văn Lang thiết lập. Quyển sách “Từ Nam chí bắc – Vers le Tonkin” (1924) của chính chủ nhà in (Hồ Văn Lang) là tác giả, do nhà in Hồ Văn in là quyển sách có nhiều tư liệu giá trị về sự sinh hoạt kinh tế, văn hóa, xã hội ở Việt Nam vào đầu thập niên 1920. Cuốn sách ghi lại về những điều chi tiết xảy ra khi tác giả cùng các nhân sì ở Nam Kỳ như Trương Văn Bền, André Thận, Nguyễn Chánh Sắt (Tổng lý tờ báo Nông Cổ Mín Đàm), Lê Bá Cang (Hội đồng Quản hạt Cần Thơ)… làm đại biểu tham gia hội chợ Hà Nội năm 1920. Phái đoàn đã gặp ông Bạch Thái Bưởi ở Hải Phòng cùng cơ sở chuyên chở khách tàu biển của ông Bưởi. Và ở Hà Nội, và các chủ nhiệm, nhà báo ở Bắc Kỳ như Bùi Đình Tá, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Huy Lục, Nguyễn Mạnh Bổng. Họ gặp mặt trao đổi thông tin và tạo tình thân hữu giữa các hội đoàn và trí thức ở các miền đất nước.

Sóc Trăng: Nhà in Lý Công Quận, đường Đại Ngải, Sóc Trăng. “Lỗi nơi ai ?” (1932), 72 trang, Gia đình tiểu thuyết, Đào Thanh Phước

Qui Nhơn: Imprimerie de Quinhon, là nhà in của hội truyền giáo. Đây là nhà in lâu đời, in các tác phẩm công giáo và các truyện, tiểu thuyết luân lý và được phân phối theo nhu cầu độc giả khắp Đông Dương

About hiepblog

Nhà nghiên cứu khoa học

Thảo luận

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này