//
you're reading...
Lịch sử, Văn hóa Nghệ thuật, Văn học

Sự hình thành các thư xã (Nhà xuất bản) ở Sài-Gòn và Lục Tỉnh

Sự hình thành các thư xã tiếp theo sự phát triển các nhà in ở Sài-Gòn đầu thế kỷ 20

Vai trò ban đầu của các nhà in trong sự xuất bản sách, truyện, tiểu thuyết lần nhường chổ cho các nhóm xuất bản sách gọi là “thư xã” như Tín đức thư xã, Minh Đức thư xã, Hưng Việt thư xã, Annam thư xã, Cổ kim thư xã, Nam cường thư xã, Đại Đồng thơ xã, Lê Mai ấn quán, Nam kỳ thư quán. Những thư xã này lần dẫn đến sự hình thành của các nhà xuất bản. Ngoài những thư xã còn có các cá nhân họ cũng xuất bản sách chính mình là tác giả như (Việt Đông) hoặc mua của các nhà văn khác để xuất bản làm thương mại (Phạm Văn Thinh, Lê Mai, Phạm Đình Khương). Những thư xã này giao cho nhà in các sách mà thư xã chủ trương. Thư xã lo giấy phép in và sau khi in thì phần lớn các sách đều được thư xã đảm nhiện phân phối. 

(1) Tín Đức Thư Xã 37-39 (và sau này 25-27) rue Sabourain

Tuyên ngôn của Tín Đức Thư Xã (in trong sách “Em bé Juliette” (1931) của Trương Lục Kiết tự Lương Hòa ở Trà Vinh)

Mấy lời tuyên ngôn

Từ trước tới giờ biết bao là Tùng-Thơ xuất hiện nhưng mỗi Tùng-Thơ nói riêng một khoa học, chưa có Tùng-Thơ nào để ý đến những tả-chơn, luân-lý gia-đình, ái-tình tiểu-thuyết. Có kẻ nói đọc tiểu thuyết có hại. Nói vậy thì lầm – Tiểu thuyết có hại là những tiểu thuyết nói hoang đàng và là những dâm-thơ kia; chớ đọc tiểu thuyết hay không những bổ ích cho tinh thần mà còn làm cho ta cải tà qui chánh thấy rộng nghe xa mục kích những nỗi đời éo le, thói đời điêu bạc. Cũng có người hiểu cho cái hại và cái hay của tiểu thuyết như vậy nhưng phần nhiều phan nàn không biết tiểu-thuyết nào hay mà mua, lỡ mua lầm phải những dâm thơ không những mất tiền mà lại còn đeo cái Tức vào mình. Vì mục đích muốn đánh đổ cái mộng tưởng “đọc tiểu thuyết có hại” trên kia và hiến cho các ngài ham đọc tiểu thuyết, những truyện có giá trị nên chung tôi ra công lựa những tiểu-thuyết nào hay thì in vào bộ Tín-Đức Tùng-Thơ.

Tín-Đức Tùng-Thơ không phải của riêng ai mà là chung của quốc-dân – Bên Nam-giới và nữ giới, có những đoản thiên tiểu-thuyết nào nói về tâm lý, phiêu-lưu, gia-đình, luân-lý, ái tình cao-thượng cuốn nào cũng dày lối 16 trương hay 15 trương rưỡi mỗi trương 31 hàng, mỗi hàng 13 chữ mà viết một mặt giấy, không thế xuất bản đặng xin gởi bổn và thơ thương lượng.

TinĐức Tùng Thơ in theo lối Meilleurs livres bên tây, cở 15,5 x 11,5 dày lối 32 trương, bìa in theo kiểu kim-thời giá bán thiệt rẻ mỗi cuốn một cắt (0$10). Mỗi tháng xuất bản  trên mười cuốn, ở xa xin gởi 0$15 cò (timbre poste Indochine) thì liền có 1 cuốn tiểu thuyết của T.Đ.T.T. gởi theo lối thường. Còn ngài nào muốn gởi recommandé [bảo đảm] cho chắc chắn xin gởi đủ 0.25 cò. Ngài nào muốn hỏi điều chi xin gởi 1 con cò 0$05 để trả lời.

Không gởi lãnh hóa giao ngân

Ngài nào có lòng tin cậy gởi mandate một lần năm đồng (5$00) thì tiền cước phí gởi sách về phần bổn xã chịu, nhưng có 2 điều tùy theo ý muốn của các ngài lưa. Lấy một:

1o– gởi recommandé tới nhà, không sợ sách lạc đi, thì cứ sách ra đủ 10 cuốn bổn xã sẽ gởi, như vậy trong 5 lần thì đủ 50 cuốn

2o- gởi thường như gởi thơ tới nhà thì cứ sách ra đủ 5 cuốn, bổn xã mới gởi (như rủi mất bổn xã không chịu trách nhiệm) gởi như vậy trong 10 lần thì đủ 50 cuốn.

Thơ và mandate xin các ngài gởi cho:

Tín-Đức Thư-Xã

37-38, rue Sabourain, SAIGON

Hình 1 – Tuyên ngôn của Tín Đức Thư Xã đăng trong tiểu thuyết “Em bé Juliette” của Trương Lục Kiết tự Lương Hòa ở Trà Vinh do Tín Đức thư xã xuất bản

(2) Minh-Đức Thư Xã. Trái với mục đích của Tín Đức thư xã in sách tiểu thuyết văn học, Minh Đức Thư Xã xuất bản các sách tri thức về chính trị, kinh tế và triết học do nhà báo Nguyễn Háo Vĩnh sáng lập

Tuyên ngôn của Minh Đức Thơ-Xã (in trong quyển “Dân đạo và dân quyền”)

Minh-Đức Thơ-Xã

Vì muốn thi-hành cái chương-trình Khai-thông Dân-trí, Chấn-khởi Dân-tâm, Trùng-tu Xã-hội, Cải-lương Phong-hóa, nói tóm lại là cái chương trinh “Đề-tạo ra nước Việt-nam mới” đã giải bay` trong quyển “Thức-Tỉnh Đồng Bào” nên hiệp-tập các bạn đồng-chí lại mà dựng nên “Minh-Đức thơ-xã”. Những sách của thơ-xã xuất bản không định bán lấy tiền, nếu vạn-bất-đắc-dĩ mà phải bán lấy tiền, thì chỉ xin bán lấy đủ tiền mước in mà thôi, vì chủ-ý của người dựng ra thơ-xã nầy chẳng phải là muốn thừa cơ-hội mà kiếm ăn. Trong buổi Quấc-dân ta khuynh-hướng về cái phong-trào Chánh-trị (gọi là cái phong-trào xã-hội có ý đúng hơn), biết bao nhiêu người tư dụng cái phong-trào ấy, biết bao nhiêu người vì cái lòng tham-lợi mà dở cái ngón “con buôn”, lường gạt Quấc-dân mà kiếm ăn qua buổi. Ngù nầy không dám làm như thế, không muốn làm như thế, vì bổn-ý của Ngu nầy là muốn thi-hành trong muôn-một cái nghĩa vụ làm người Việt-Nam, “cái nghĩa vụ của một người Việt-Nam có chút ít học thức, chút ít lương tâm”, trong cái buổi “ác vừa lố bóng, gà đã gáy tan” nầy vậy. Vì phải viết sách cung-ứng cho thời-thế mà phí mất ngày giờ học-hỏi của Ký-giả rất nhiều, đó cũng là một nổi khổ-tâm, trong muôn vàn cái khổ-tâm khác, song ký-giả cũng vui lòng toại chí. Ký-giả không định bán sách lấy tiền, nếu trong độc giả có vị nào hảo-tâm muốn quyên tiền phụ giúp, ký-giả cũng vui lòng nhận lảnh. Xin anh-em trong Quấc-dân lượng biết.

Các sách do Minh Đức thơ xã xuất bản có “Dân đạo và dân quyền” (1926) của Tân-Nam-Tử, “Chánh-trị Khai-tâm” (Initiation politique), “Vấn đề người Đàn-bà” (La problème de la Femme), “Dân ước chú giải” (Contrat social)

(3) Hưng Việt Thơ Xã

Thanh gươm nghĩa hiệp” (1928), Ái quốc thanh-niên tiểu thuyết, Hoàng Dân Tân, Imprimerie Baoton 36bis Boulevard Bonnard. Do Hưng Việt Thơ xã , Ngatu Vĩnh Long xuất bản. Cốt truyện lấy đất nước Thổ Nhĩ Kỳ đã canh tân nhờ các thanh niên của đất nước này đứng lên và làm cho Thổ Nhĩ Kỳ không còn là lạc hậu, không còn là người bệnh ở Cận Đông nữa. Ở đây ta thấy những người thành lập thơ xã là những người yêu nước muốn canh tất nước Việt

Tuyên ngôn của Hưng Việt thơ xã đăng trong “Thanh Gươm Nghĩa Hiệp” như sau

“MẤY LỜI TUYÊN-NGÔN

Hưng-Việt Thơ-Xã trước khi ra đời tuyên-ngôn cái mục- đích của Thơ-Xã cho anh em chị em biết :

Kể từ thuở trời nam gió bụi,

Khắp bốn phương non tủi sông sầu,

Chúng ta đọc hai câu thơ ấy mà lòng chúng ta sanh ra vô hạn cảm-tình, bi hận, ai hoài cho cái cảnh tang-thương biến-cuộc, cây reo dậy đất sóng dồn trận đau, Anh em chị em thử mở mắt mà xem.

Cuôc thời-thế năm Châu tiến-hóa, chốn võ-đài thiên hạ múa men ; thế mà ngó lại đến nướe nhà ta, bầu trời hắc ám, khônq khí Iạnh tanh, đám thượng-lưu xung-xinh cái mặt nạ, mãi quốc cầu vinh, thế mà cũng tự-vị đi trước bước đầu, đám thủ-cựu ngâm thơ đánh tửu, cuộc đời ai kêu ai trống mặc ai, thế mà tự-vị giữ nền quốc-túy. Đến chốn phồn-hoa đô thị đám thanh niên sớm ca-lâu chiều tửu-quán mê cảnh cúi lòn, thế mà tự-vị nhữhg đóa quấc hoa : Ngoài ra nữa phong- hóa suy-đồi nhơn-tâm ủy-mỹ [ủy mị] ;

Ôi ! thà rằng không biết cho xong,

Biết bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu !

Anh em chúng tôi, hổ mình sanh gặp nổi tang-thương vân-cẩu, cảnh-tượng thế kia dễ hồ mà im hơi nín tiếng cho đặng ! Nên không quản tài sơ trí mọn, xin đem một bầu nhiệt- huyết góp sức với dời, lập nên một cái Thơ-Xã gọi là Hưng-Việt Thơ-Xã,

MỤC ĐÍCH THƠ-XÃ THÊ NÀO ?

 a) Xã-hội ta ngày nay đạo-đức tan-tành, phong-hóa suy vi, vách đổ bìm leo, đèn chong trước gió, Muc-đíich thứ nhứt cùa Thơ-Xã là sùng-tu xã-hôi lại.

b) Quấc-gia ta ngày nay lòng dân nhu-nhược, sống say ngủ chết xơ-xác như đám cỏ mùa thu, Muc-đích thứ hai của Thơ-Xã là đề tỉnh nhân-tâm lại.

c) Quâc-dân ta ngày nay, trí-thức mờ-ám tư-tưởng hẹp-hòi như nằm trong hang sâu, vực-thẳm. Mục-đích thứ ba của Thơ-Xã là nâng cao dân-trí.

Nếu xã-hội ta sùng-tu rồi, nhơn-tâm ta mà tỉnh ngộ rồi dân trí ta mà nâng cao rồi, thì lo gì mà không tự cường tự trị, lên võ đài mà lấm mưa gội gió với bốn Bể năm Châu. Lương-khải-Siêu tiên-sanh nói rằng : «Vì là không có sức tự-trị nên mới có người trị ta ; nếu ta có sức tự-trị thì ai mà trị ta đặng»,

 Cái chủ nghĩa của «Hưng Việt Thơ-Xã» nói rõ cho anh em chị em biết rồi, sau nầy sách của Thơ-Xã ra đời sẽ nhắm cái chủ-nghĩa ấy mà bước tôi. Bãn-xã xin lấy cái khí thiên-liên [thiêng liên] của non sông nòi giống mà thề rằng: « Thà Thơ- Xã chết vì chủ-nghĩa, chứ không bao giờ để chủ-nghĩa chết vi Thơ-Xã», Anh em chị em xin chứng mấy Iời phát-thệ ấy cho,

Than ôi ! đường xa muôn dặm, gánh nặng triu-trịu, bản- xã xin đem bầu tâm-sự tỏ với anh em chị em, mong rằng anh em chị em lấy nghĩa đồng thinh tương khí, đồng ý tương cầu, mà chia vai gánh  vát giùm với bản-xã, giúp giùm cho bản xã chóng mau đến chổ mong mỏi hoàn-toàn, thì hạnh phúc biết bao nhiêu, sung sướng biết bao nhiêu, anh em chị em nghĩ cho !

Kính cáo.

Hưng-Việt Thơ-Xã.

Thư từ và mandat gởi Đào-Kiến-Liêm

Các sách khác của Hưng Việt Thơ Xã có Cao đẳng thanh niên”, “Đế quấc chủ-nghĩa luận”, “Đông-phương tây-phương”, “Thế giới đại chiến tranh”, “Nhựt-bổn duy-tân lược sử”, “Tân Trung Hoa”.

(4) Tồn Việt thơ xã, 57 rue Catinat (đường Đồng Khởi ngày nay), Saigon, do ông Trần Hữu Độ thành lập

Ông Trẫn Hữu Độ (1887-1945) tự Quân Hiến, sinh trưởng ở Trà Vinh. Lên Sài-Gòn học và lập nghiệp, ông có liên hệ với phong trào Minh Tân do Trần Chánh Chiếu chủ trương và phong trào Duy Tân.  Là người yêu nước, ông đã viết các sách khơi dậy lòng yêu nước trong dân chúng. Các sách của ông “Tiếng chuông truy hồn” (1925), “Cây dù gảy của nước Việt Nam” (1925), nhà in Xưa-Nay, “Hồi trống tự do” (1926), “Tinh thần tự trợ” (1927) nhà in Xưa-Nay, “Thanh niên tu độc” (1928), nhà in Imprimerie Bảo Tồn, “Triều Tiên vong quấc [quốc] sử” (1929), Imprimerie Bảo Tồn. 

Ông thành lập “Tồn Việt thơ xã” với mục đích như sau, đăng trên phần đầu của sách “Thanh niên tu độc” (1926)

“Mục đích Tồn-Việt Thơ-Xã

Nước mất là vốn tinh-thần của nước đã mất trước vậy. Tinh-Thần của nước là gì ? Tinh-Thần của nước tức là tinh-thần của dân.

Ngày nay nước Việt-Nam đã mất rồi ! Nước Viêt Nam đã mất rồi ! ! Mà nước Viêt-Nam mất quả thật là mất hẳn, hay là mất, mà chưa thật mất hẳn, thì toàn do nơi tinh thần của dân Việt-Nam. Sử xưa có nói rằng : « Sở tuy tam hộ, vong Tần tất Sở; Nghĩa là : nước Sở tuy còn có ba cái nhà, mà sau Tần bị mất cũng vi Sở.

Bởi vậy, một nước tuy là được độc-lập tự-do mà dân không có tinh-thần, thì coi cũng như mất ; một nước tuy là bị phiên-thuộc nô-lệ mà dàn có tinh-thần, thì mất cũng như còn.

Nay nước Việt-Nam ta đã mất rồi ! ! Nhưng mà dân ta biết lo dung-chú tinh-thần, đào luyện tinh-thần, bồi dưỡng tinh-thần thì tuy mất cũng chưa thật là mất hẵn. Mà muốn dung-chú tinh-thần đào-luyện tinh-thần, bồi-dưỡng tinh-thần thì phải làm cách nào ? Phải có sách vở mới đặng. Chüng tôi dòm thấy dân ta phần nhiều tinh-thần kém cỏi quá cơ hồ ủy-mỉ, có tánh hay sợ sệt, nhút nhát, gặp việc hay sụt sè, ấy là cái triệu diệt vong đời đời kiếp kiếp đó. Bởi cớ ấy, nên chúng tôi lấy làm đau đớn lo sợ cho vận mạng nước nhà ta về lối tương-lai, nên chúng tôi chẳng nệ bỉnh tiếu ư đại phương (*) mà lập ra một cái thơ-xã đặt tên là : TỒN-VIỆT THƠ-XÃ. Các thứ sách trong thơ-xã của chúng tôi xuất bản đều là một linh-tễ để dung-chú tinh-thần, đào-luyện tinh-thần, bồi dưởng tinh-thần cho quấc [quốc] dân

Đồng-bào ta nên biết rằng:

Tờ báo là như thuốc thang; còn cuốn sách là như thuốc hoàn. Thân thể ta bị ngoai tà xâm nhập, thì phải dùng thuốc thang để công kích cái bịnh; còn ngũ tạng ta bị suy-đồi, thi phải dùng thuốc hoàn để bồi bổ lại. Mà ngũ tạng đặng điều hòa, tinh-thần đặng cương nghj, khi huyết đặng sung túc thì thân thể phải tráng kiện. Một tờ báo là như thuốc thang để công-kich bài-bác những việc bất chánh xảy ra cấp thời trong một lúc, thì sự công hiệu còn có gì bằng; còn quyển sách là như thuốc hoàn để bổ dưỡng, đào-luyện dân trí, dân đức, dân lực thì sự linh nghiệm còn có gì hơn.

Dân Việt-Nam ta toàn là một dân tộc mang bịnh trầm-kha, nếu không dùng thuốc hoàn mà điều trị thì còn dùng thuốc gì ? Mình đau mà khòng biết là đau thì còn có thể trị đặng, là vì đến khi mình biết đau rồi, Ihì lo mà uống thuốc, mà đã chịu uống thuốc thì tất có ngày mạnh. Ngạí có môt điều minh biết là đau mà không chịu uống thuốc thì không thể cứu đặng.

(chú thích: (*) chẳng sợ mọi nơi chê cười)

(5) Nam Kỳ thư quán xuất bản một số sách giá trị trong đó có “Lữ Trung Ký sự” (1932) của Nguyễn Tường ghi chép về những điều tác giả chứng kiến và cảm nghĩ của tác giả khi đi thăm Trung Hoa vào năm 1930. Sau “Lữ Trung ký sự”, Xích Việt (Nguyễn Tùng) viết tập ký sự “Nước Nhựt mới

(6) Thân Dân thơ xã, Gò Đen  tỉnh Chợ Lớn. Đây là thơ xã xuất bản các tác phẩm về vấn đề xã hội và chính trị. Do ông nguyễn Văn Chác điều hành, có liên hệ với báo “Le Peuple” (Nhân Dân) thuộc đệ tam cộng sản. Các tác phẩm đều là các đề tài tiến bộ, cấp tiến hơn cả các sách của Minh Đức thơ xã. Các sách của Thân Dân thơ xã có “Vấn đề phụ nữ” (1938) của Nguyễn Thị Kim Anh, “Đảng của giai-cấp vô-sản”, “Sự cần phải có các quyền tự-do dân-chủ cho xứ Đông-Dương”, “Chủ nhĩa Lénine”.

Các sách này được công khai xuất bản và bán trong dân chúng Nam Kỳ. Nội dung cuốn tiểu luận dài 55 tr; làm vợ, đẻ conang “Vấn đề phụ nữ” có thể biết được qua phần đầu chương 1 như sau

“Vấn-đề phụ-nữ là một vấn-đề quan trọng trong những vấn-đề xã hội, có mật thiết liên lạc với nền tảng kinh-tế của xã hội loài người. Nền kinh tế của mổi một chế-độ xã-hội thay đổi, thì tình-hình phụ-nữ cũng thay đổi, cũng như mối liên hệ giai cấp trong xã hội tùy nền kinh tế thay đổi mà thay đổi vậy. Nhưng không phải phụ-nữ là một giai-cấp riêng, đối lập với Nam-giới, chuyên tranh đấu đổ máu đặng dành quyền thống trị với đàn-ông như bọn tư-bản phong-kiến thường nói: “vì tánh thiên nhiên mà đàn bà sanh ra để đẻ người, mà muốn sanh đả thì phải có đàn ông; cũng như đất đai phải có trời mới sanh ra cây cỏ và các loài vật; vì thế cho nên đàn-bà phụ-thuộc đàn ông; làm vợ, đẻ con, lo liệu việc nhà là bổn phận trời cho đàn-bà”. Đó là lý thuyết phản động mà ngày nay bọn phát-xít dựa vào để đày-đọa, đàn áp đàn bà. Ở đời Nga-hoàng có câu tục ngữ: “Gà không phải chim, đà bà không phải người”. Ở Tàu có câu: “Sát vụn không thể cho là đồng, đàn bà không thể cho là người đặng”.

Theo nhơn-loại-học, theo sự thật và lịch-sử mà nói, đàn bà là người, về các phương-diện xã hội, có đủ tư cách sanh-hoạt như đàn ông; trong quá trình phát-triển xã hội loài người có lúc họ đóng vai sanh-sản quan trọng hơn đàn ông, phát minh nhiều sự tiến bộ.

Hiện nay trên thế-giới chỉ có ở Xô-Viết Liên bang đàn bà mới cỡi nhẹ được bao nhiêu sự phiền-não ấy. Họ có chổ giữ trẻ con, có nhà âu trẻ chăm nom việc bảo-hộ trẻ con để họ có thì giờ tham gia sự sanh sản cùng phát triển con người về mọi phương diện, sống một cuộc đời hạnh-phúc hoàn toàn giải phóng.

(7) Annam thơ xã, 35 rue Verdun (Cách mạng tháng 8), Saigon. “Danh lợi” (1928) xã hội tiểu thuyết, Mộng Trần (tự Lê Chơn Tâm), in tại nhà in Tam Thanh 108-110- Place Maréchal Foch

(8) Cổ kim thư-xã, 143 Boulevad Albert 1er (Đinh Tiên Hoàng), Dakao, Saigon “Tái sanh kỳ ngộ diễn nghĩa” (1928), Phạm Thị Phương dịch, in tại nhà in Tam Thanh 108-110- Place Maréchal Foch. “Ngọc chìm đáy biển” (1927), tác giả Mộng-Hiệp nữ-sỉ, nhà in Xưa và Nay. “Triệu Khuôn-Dẫn đưa Triệu Kinh-Nuơng” (1927), tuồng cải lương, tác giả Trương Quang Tiền, Imprimerie de l’Union, Nguyễn Văn Của.

Cổ kim thư xã có thể được coi như nhà sách, có tiệm bán sách các sách do tiệm xuất bản, như quảng cáo sau trong tiểu thuyết “Ngọc chìm đáy biển”. Người đứng ra xuất bản là Từ Duy Quán.

Xin kính mời chư quí vị hảy lại tiệm sách CỔ KIM THƯ XÃ, 143 Boulevard Albert1er, Dakao, Saigon mà mua sách, vì nơi đó có rất nhiều những sách hay và truyện lạ cùng các thứ sách học: chữ tây và chữ quốc ngữ, ngài nào mua nhiều sẽ có huê hồng, xin chư qui vị chiếu cố đến mua dùm cho bổn xả lấy làm đội ơn lắm.

Kính bạch

Ở xa xin viết thơ cho

CỔ KIM THƯ XÃ

143, Boulevard Albert 1er, Saigon

Trên lầu của Cổ kim thư xã là nơi trú ngụ của nhà văn Trần Huy Liệu trong một thời gian, mà tờ “L’Écho annamite” ngày 3/6/1929 có đăng tin là các nhân viên sở mật thám (La Sureté) đã được trác tòa đến khám xét nhà ông Liệu để tịch thu quyển “Câu chuyện chung” do Cường học thư xã xuất bản. Họ đã khám xét hết nhưng không tìm được. Có mặt là ông Lê Văn Thơ, chủ nhiệm của Cường học Thư-xã. Ông Thơ đã bị họ áp giải về tòa và danh sách những người đặt mua sách của Cường học thư xã đã bị tịch thu. Họ cũng đến khám nhà in Đức Lưu Phương và Tín Đức Thư xã. Trong bài báo sau bản tin trên tờ “L’Écho annamite” cùng ngày, ông DeJean de la Batie chủ nhiệm tờ Écho annamite đã lên tiếng phản đối sự khám xét và cho rằng chính quyền Nam Kỳ đã đi quá chỉ nhìn đâu đâu cũng là sách đỏ, cộng sản phá rối trị an mà thật ra các sách đều không nguy hại.  Ông kêu gọi chính quyền phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận, không áp đi tiếng nói của người dân có tiếng nói độc lập.

(9) Cường học thư xã. Tiêu chỉ của Cường học thư xã là “Giữ đạo đức, Mở trí thức, Chấn tinh thần”. chủ nhiệm của thư xã là ông Lê Văn Thơ, với sự cộng tác của Trần Huy Liệu.

Tuyên ngôn của Cường học thư xã đăng trong quyển “Thần Cộng Hòa” (1928) và “Vượt biển ra khơi” (1928) như sau

“Vì đâu mà nước ta chưa giải thoát? Vì trình độ dân ta còn thấp. trình độ dân ta còn thấp vì đâu ? Vì học thức dân ta còn kém cỏi, tinh thần dân ta còn ủy-mĩ, gia dĩ cái nền đạo đức của dân ta lại thấy càng ngày suy đồi, phàm là thức giả ai cũng công nhận lẽ đó. Vậy ngày nay muốn giải thoát cho nước ta phải thế nào ? Trước hết phải nâng cao cái trình-độ dân ta lên. Muốn nâng cao cái trình-độ dân ta lên thì trước hết phải làm cho dân ta khai-thông trí-thức, phấn-khởi tinh-thần, nhứt là về đường đạo-đức lại càng cần phải duy-trì, cần phải tăng-tiến. Muốn cho đạt được cái mục đích ấy để cầu cho nước nhà giải-thoát thì trước hết phải có những sách về đạo-đức, về trí-thức về tinh-thần cho quốc dân ta đọc. Một nhà đại-hiền-triết Á-đông đời nay có nói: “độc thư dĩ cứu quốc” nghĩa là đọc sách để cứu nước. Vậy thì cái đội quân tiên-phong cứu quốc chẳng phải ở các nhà trước thuật có tâm huyết mà ai?

Chúng tôi vì nghĩ như vậy, nên mới lập ra cái thư xã nhỏ mọn nầy, đạt tên là CƯỜNG-HỌC THƯ-XÃ. Người trong thư-xã đều là các bạn đồng-chí, cùng nhau theo-đuổi một mục-đích là giữ đạo-đức, mở trí-thức, chấn tinh-thần để nâng cao cái trình-độ quốc-dân ta lên. Vậy những sách của CƯỜNG-HỌC THƯ-XÃ chúng tôi chỉ chuyên theo có một tôn-chỉ đó mà thôi.

Thư-xã chúng tôi định mỗi tháng đều có xuất-bản sách. Vậy ai mua năm trả tiền trước sẽ được giá hạ hơn là 5%, khi sách xuất bản chúng tôi sẽ gởi ngay đến tận nơi theo lối “imprimé recommendé”; ai mua xin gởi theo trước một số tiền tùy theo nhiều ít chúng tôi sẽ gởi sách mà trừ lần lần

“.

Các sách của Cường học thư xã đa số là ảnh hưởng của Tân thư ở Trung Quốc trong chương trình Duy Tân do Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu khởi xướng. Các sách Tân thư này, phổ biến các tư tưởng khoa học Tây phương, trong đó có một số dịch từ sách phương Tây đã có ảnh hưởng đến trí thức Việt Nam trong phong trào Đông Du và Duy Tân. Cường học thư xã xuất bản một số sách như sau:

Tiểu sử và tập diễn văn Lương Khải Siêu” (1929) của tác giả Trần Huy Liệu, nhà in Thạnh Thị Mau. Quyển này bị cấm lưu hành và tịch thu ở Cam Bốt (Bulletin administratif du Cambodge, 1929) theo nghị định ngày 28/5/1929 của Thông sứ Pháp (Résident Supérieur) ở Cam Bốt.

Guơng phục quốc. Ý đại-lợi tam kiệt” (1928), Lương Khải Siêu, dịch giả Trần Huy Liệu, nhà in Thạnh Thị Mau. “Trai Nam Việt, Gái Lạc Hồng” (1928), Ái tình quốc gia tiểu thuyết, tác giả Phạm Chánh Tâm, nhà in Tam Thanh.

Vượt biển ra khơi” (1928), tác giả Ái Liên Trần Minh Khiêm dịch thuật, kể về truyện ông Kha Luân Bố (Christophe Colomb), người khám phá ra châu Mỹ.

Hiến thân cho nước: Truyện ông Cát tô sĩ Louis Kossuth” (1928), Lương Khải Siêu, Trần Huy Liệu dịch, nhà in Thạnh Thị Mau. Truyện về anh hùng của nước Hung Gia Lợi.

Anh hùng yêu nước: Ông Nạp Nhĩ Tốn (Nelson)” (1928), tác giả Lâm Vạn Lý, Trần Huy Liệu dịch, nhà in Đức Lưu Phương. Truyện về đề đốc Nelson, anh hùng nước Anh, người đánh bại thủy quân Napoleon ở Trafalgar.

Thần Cộng hoà: Sái ngạc” (1928), Trần Huy Liệu, nhà in Đức Lưu Phương. Truyện về ông Thái Tùng Pha (Sái Tùng Pha) hay Thái Ngạc (Sái Ngạc) (1882-1916). Nhà chính trị và quân sự, đã từng tham gia Cách mạng Tân Hợi, lập ra nước Trung Hoa Dân Quốc. Ông được Lương Khải Siêu giúp trốn khỏi Bắc Kinh đang dưới quyền của Viên Thế Khải, sau là một tướng quân ở Vân Nam chống lại Viên Thế Khải.  

Như đã đề cập trên quyển “Câu chuyện chung” (1929) của Trần Huy Liệu do Cường học thư xã xuất bản, nhà in Đức Lưu Phương 158 rue d’Espagne Saigon, đã bị cấm lưu hành trên khắp Đông Dương mà nghị định ngày 5/6/1929 có đăng trên công báo Bulletin administratif de l’Annam (1929) và Bulletin administratif du Cambodge (1929). Vì hiện nay chưa tìm được quyển sách này nên ta không biết nội dung chi tiết của “Câu chuyện chung” ra sao mà nhà cầm quyền cấm lưu hành và tịch thu. Nhưng chắc rằng đó là quyển sách nói về tình trạng đất nước Việt Nam và dân chúng cần phải tranh đấu để lấy lại độc lập từ người Pháp.

Ở đây ta thấy Trần Huy Liệu mặc dầu là người Tây học, ông chọn duy tân theo mô hình tân thư Trung Quốc như các bậc tiền bối Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu. Các từ ngữ mới trong sách tân thư ở Trung Quốc có một số du nhập từ các sách Nhật dịch các từ khoa học, tư tưởng mới, địa chí của phương Tây trong thời Minh Trị khi Nhật canh tân. Trần Huy Liệu có thể dịch trực tiếp từ các nguyên tác tiếng tây phương thay vì dịch lại theo tiếng Hán.

(9) Nam Cường Thư Xã (Mỹ Tho), đây là nhà xuất bản gồm các trí thức Mỹ Tho chuyên về đông y, triết học trong đó các tác phẩm được xuất bản của sư Thiện Chiếu về Phật giáo, Nguyễn Duy Cần, Lê Văn Tịnh về đông y

Hình 3 – Xã hội tiểu thuyết “Danh Lợi” (1928) do AnNam Thơ xã xuất bản và “Tái sanh kỳ ngộ” (1928) do Cổ kim thư xã xuất bản

(11) Quảng Nghĩa tùng thơ

Nhơn đạo” (1929) Nguyễn Đức Huy, tự Hồng Tiêu, nhà in Imprimerie Tín Đức thư xã, 37 rue Sabourain, Saigon.

(12) Các cá nhân xuất bản

Một số các cá nhân cũng tự đứng ra lập các thư xã như ông Nguyễn Ngọc Thơ, Lê Mai và ông Phạm Văn Thinh. Ông Nguyễn Ngọc Thơ lập ra Nguyễn Ngọc Thơ xuất bản xã, có các sách về Thông linh học (Spiritism) do Đào Trinh Nhất dịch và in tại nhà in Đức Lưu Phưng.

Ông Lê Mai lập ra Lê Mai ấn quán in sách và bán ở cửa tiệm của ông.  Lê Mai ấn quán có in các sách “Sách trường sanh”, “Phận làm vợ”, “Ái tình”, “Bài ca cải lương” (Bản đờn Kiềm đủ bài theo điệu hát cải lương). Một số sách do chính ông là tác giả như “Câu đờn, giọng hát cải lương”. Ông có xuất bản các bộ “Cách làm giàu (Bạch thủ thành gia)” (1924) gồm các câu truyện làm giàu cu/a các nhân vật ở Trung Quốc của Trần Hữu Độ, một nhà văn yêu nước. Ngoài bán tại tiệm nhà in ông, ông có các hàng sách ở đầu chợ nhóm và chợ mới Saigon (Câu đờn, giọng hát cải lương, par Lê Mai, Lê Mai Ấn-Quán 1924). Tiệm của ông cũng bán nón, giày dép, xà-bông, đồ dùng cho học trò,..

Ông Phạm Văn Thinh lập ra Đại Đồng thơ xã xuất bản các tiểu thuyết và bán tại tiệm của ông. Các sách do Đại đồng thơ xã xuất bản gồm có quyển “Người phải kẻ quấy” (1931), tác giả Dương Quân, Tâm lý tiểu thuyết, tựa dưới “Duy-trì phong hóa và luân lý đang nguy khốn ở xã hội ta”, in tại nhà in Đức Lưu Phương, bán sỉ tại Phạm Văn Thinh, no. 49-51 Rue Tháp-Mười, Bình Tây. Quyển “Say tình quên nghĩa” (1932), tâm lý tiểu thuyết của Nguyễn Bá Thời, chủ bổn Phạm Văn Thinh, do Imprimerie Đức Lưu Phương in. Ông Phạm Văn Thinh, ngoài tiệm ở Chợ Lớn, cũng có tiệm ở Saigon (177 rue d’Espagne) bán đủ các thuốc Annam (thuốc ta)

Tương tự như Lê Mai ấn quán, tiệm ông Thinh ở Binh Tây có bán các tiểu thuyết

Tiếng súng lục liên, Tiếng súng hai lòng, Dâu hiền là gái, Nết gái lòng trai

Mấy thứ trên đây [tiểu thuyết] có bán sỉ và bán lẽ tại hiệu tôi và lại tôi cũng có bán đủ các thứ như: Thơ, Tuồng, truyện tuồng Cải-lương, Tiểu-thuyết và đồ cho học trò dùng. Nếu quí vị muốn mua sỉ thì tôi sẽ tính giá rất rẽ về bán có lời nhiều.

Nay kính

Phạm-Văn-Thinh

No. 49-51 Rue Tháp-mười – Bình-tây

Hinh 5 – “Say tình quên nghĩa” (1932), tác giả Nguyễn Bá Thời, do ông Phạm Văn Thinh xuất bản

Như vậy ông Phạm Văn Thinh là một doanh nhân, ông cũng xuất bản các tiểu thuyết của một số nhà văn không nổi tiếng lắm và bán các tiểu thuyết này tại tiệm của ông ở Chợ Lớn (Bình Tây) và Sài-Gòn vì có vào thời này tiểu thuyết rất được ưa chuộng và bán chạy.

Một doanh nhân khác là ông Đỗ Như Liên (Hàn lâm viện Đải chiêu), chủ tiệm bán dĩa hát, máy hát, xe máy, đồ phụ tùng xe hơi, đồ đèn khí, khắc con dấu, 91-93 rue d’Espagne (Lê Thánh Tôn ngày nay),  xuất bản sách tiểu thuyết để quảng cáo cho tiệm mình như tiểu thuyết “Mảnh trăng thề” (1930), Tùng Vân Anh (Imprimerie Đông Pháp, Nguyễn Kim Đính)

Tiểu thuyết “Mảnh trăng thề” cho ta biết thông tin về bối cảnh xã hội và tình cảnh của người Việt trong giai đoạn sau thế chiến thứ nhất. Truyện về cặp vợ chồng trẻ, khi chồng đi qua Tây dự thế chiến thứ 1 và người vợ tên Lâm Tố Như ở nhà bị bạn của chông ở Pháp về sớm gạt nói chồng chị bị đã bị tử trận. Lâm Tố Như đau khổ, cuối cùng Lâm Tố Như bị túng quẩn và phải lấy người bạn của chồng khi ấy đã giúp gia đình Tố Như và sau đó có 1 con. Khi chồng trở về, chị mới ngỡ ngàng, đau khổ, trốn ra vườn không muốn gặp chồng,  treo cổ tự vận để lại lá thơ cho mẹ, cho chồng.

Ông Phạm Đình Khương xuất bản các sách và bán ở nhà ông (109 rue Lý-thành-Nguyên, Cholon, (418 Boulevard Armand Rousseau, Cholon). Trong các sách ông xuất bản có “Thành bại vì tình” (1932), tuồng cải lương, “Xuân Hoa truyện” (1927), tiểu thuyết, tác giả Trương Quang Tiền, “Truyện một thầy Huỳnh-Liên ở Cholon và một cô Hồng-Châu ở Saigon thiệt hay”.

Việt Đông Văn Tập, 225 rue Lefèbre, Saigon. Chủ nhiệm là ông Việt Đông Lưu Thoại Khải, tác giả tiểu thuyết “Hồn gởi nước non” (1930), “Ngọc nát hoa tươi” (1932), “Dưới bóng trăng khuya” (1932). “Duyên chàng nợ thiếp” (1931), “Trong ngọc trắng ngà” (1932, trọn bộ 4 quyển). In sách ở nhà in Đức Lưu Phương. Riêng tiểu thuyết “Hồn gởi nước non” sau khi in thì có nghị định ngày 25/6/1930 cấm lưu hành.

Hình – “Hồn gởi nước non” (1930) tác giả Việt Đông, editeur Lưu Thoại Khải 225 rue Lefèbre Saigon, nhà in Đức Lưu Phương, “Duyên chàng nợ thiếp” (1931), Việt Đông và Ellen Anh Hoa, “Ngọc nát hoa tươi” (1932), Việt Đông và “Trong ngọc trắng ngà” (1932)

Bảo Tồn ấn quán, 23 Rue Filippini, Saigon có liên hệ đến nhà in Imprimerie Bảo-Tồn

Các tỉnh cũng có các nhà in, ngoài Cần Thơ, ở Bến Tre có nhà in của ông Võ Văn Vân, nhà in Bùi Văn Nhẫn. Trong các sách in ở Bến Tre của Nhà in khéo F. Van Vovan của ông Võ Văn Vân là các sách giáo dục, kiến thức của nhóm Phổ thông thơ xã (Bibliothèque de vulgarisation) thực hiện. Tên gọi của thư xã cho biết đây là nhà xuất bản phổ biến kiến thức mới đến mọi người dân.

Pháp Bảo Phương (Bibiothèque Bouddhique), Phật học viện tại chùa Linh Sơn, 149 Rue Douaumont Saigon

“Tịnh độ Tông, Kính Trung Kính hựu Kĩnh” (1931), Hòa thượng Lê Khánh Hòa dịch, , Nhà in Bùi Văn Nhẫn, rue G. Clémenceau, Bến Tre

About hiepblog

Nhà nghiên cứu khoa học

Thảo luận

Trackbacks/Pingbacks

  1. Pingback: Sự hình thành các thư xã (Nhà xuất bản) ở Sài-Gòn và Lục Tỉnh – ngoibanchuyenxua - Tháng Mười Hai 7, 2021

Bình luận về bài viết này